Đánh giá ngành ngân hàng: Chi phí dự phòng nợ xấu sẽ bào mòn lợi nhuận các quý tới

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối Q3/23 – mức cao nhất kể từ năm 2017.

vib-bank-2-1616594680.jpeg
Thị trường bảo hiểm đang là “miếng bánh màu mỡ” đối với các tổ chức bán lẻ, trong đó có ngân hàng.

KQKD Q3/23: Thấp hơn kì vọng

04/10 NHTM trong danh mục theo dõi của VNDirect báo cáo kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng, trong khi chỉ có MBB có kết quả kinh doanh cao hơn ước tính. Tín dụng toàn hệ thống tăng 7,0% sv đầu năm vào Q3/23 – so với mức tăng trưởng tín dụng 11,0% sv đầu năm vào Q3/22, nhưng đã tăng đáng kể từ mức 4,48% vào cuối T8/23.

Chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục suy giảm, với tỷ lệ NPL toàn ngành duy trì xu hướng tăng lên mức 2,24% từ 2,11% vào cuối Q2/23.

Tăng trưởng tín dụng: cho vay khách hàng doanh nghiệp vẫn là xu hướng

Vào cuối Q3/23, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 7,0% sv đầu năm – thấp hơn nhiều sv mức tăng trưởng tín dụng hệ thống 11,0% sv đầu năm vào cuối Q3/22, nhưng đã tăng đáng kể từ mức 4,48% vào cuối tháng 8/2023.

Trong Q3/23, có xu hướng tăng trưởng khác nhau giữa các NH Quốc doanh (NHQD) và NH Thương mại Cổ phần (NHTMCP). Đặc biệt, nhóm NHQD (VCB, BID) có mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn lần lượt là 1,0%/1,4% sv quý trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình 2.4% sv quý trước (top 25 NH niêm yết lớn nhất).

Tăng trưởng tín dụng yếu là kết quả của (1) nhu cầu tín dụng yếu do nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục và (2) khẩu vị rủi ro cho vay của các ngân hàng này thấp. Trong khi đó, một số NHTMCP lại chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng mạnh với trọng tâm là cho vay khách hàng doanh nghiệp (VPB: 6,4% sv quý trước, VIB: 4,6% sv quý trước, LPB: 4,0% sv quý trước).

Trong Q4/23, các NH có tỷ trọng cho vay KHDN lớn và hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn (VPB, MBB, HDB) sẽ duy trì vị thế dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong ngành. VNDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng tín dụng 10% svck cho năm 2023, tăng từ mức 7,0% vào cuối Q3/23, nhưng vẫn thấp hơn mức mục tiêu 14% mà NHNN đặt ra.

NIM thu hẹp nhưng nguồn huy động chi phí thấp đang dần cho thấy hiệu quả

Tổng NIM của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 47 điểm cơ bản xuống 3,32% svck trong Q3/23 với 22/25 NH có NIM giảm svck do tốc độ tăng lãi suất cho vay thấp hơn tốc độ tăng của chi phí huy động để hỗ trợ khách hàng của các NH này, điều này phù hợp với khuyến nghị của NHNN.

Trong số các NHTMCP vốn hóa vừa và lớn, chỉ có STB, VIB và CTG là có khả năng duy trì NIM ổn định hoặc cao hơn svck. Đặc biệt, VIB và CTG đã tận dụng việc cho vay liên ngân hàng với tỷ trọng cao svck (các ngân hàng đã có tỷ lệ này thấp nhất kể từ 2022) trong cơ cấu nguồn vốn để giảm chi phí vốn (COF). Với STB, không còn áp lực từ lãi dự thu đã thúc đẩy NIM tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Trong khi đó, NIM của các NH có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao như VPB, TCB tiếp tục giảm nhiều nhất.

Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực khi COF của cả ngành giảm 33 điểm cơ bản sv quý trước trong Q3/23, quý giảm sv quý trước đầu tiên kể từ Q1/22. Điều này chủ yếu nhờ vào (1) nguồn huy động chi phí thấp bắt đầu có hiệu quả và (2) tỷ lệ CASA tăng cao hơn (từ 18,1% cuối Q2/22 lên 18,9% cuối Q3/23).

Trong Q4/23, kỳ vọng COF sẽ giảm hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các NH (lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể 40-100 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn trong Q3/23). Tuy nhiên, NIM có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại.

Một số ngân hàng sở hữu i) tỷ trọng cho vay cá nhân cao và ii) tỷ lệ huy động bằng đồng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các NH khác.

Trong năm 2024, NIM sẽ có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế.

Chất lượng tài sản vẫn cần chú ý

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của top 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất tiếp tục duy trì xu hướng tăng lên 2,24% tại cuối Q3/23 – mức cao nhất kể từ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ LLR chỉ giảm nhẹ xuống còn 94% vào cuối Q3/23 so với 98% vào cuối Q2/23 – bằng với mức cuối năm 2020, điều này cho thấy bộ đệm dự phòng tốt hơn của ngành trong những năm qua.

Ngoài ra, có một tín hiệu tích cực khi tổng % nợ nhóm 2 giảm đã xuống còn 2,3% vào cuối Q3/23 so với 2,5% vào cuối Q2/23, cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn đang khó khăn, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong những quý tới.

Do đó, VNDirect ưa thích các ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao (VCB: 270%, CTG: 172%, BID: 158%) vì những ngân hàng này sẽ chịu ít áp lực hơn về trích lập dự phòng so với các NH khác.

Cập nhật ngày 23/10/2022: cuối 2022 đầu 2023: Khó duy trì tăng trưởng cao

Agriseco đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng suy giảm khi dư địa tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào tăng.

Thu nhập lãi thuần có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do dư địa room tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng.

Hạn mức tín dụng không còn nhiều. Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm đạt 9,91%. Như vậy, với mục tiêu tăng tín dụng trong hạn mức 14% thì room tín dụng trong 4 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 4%. Vừa qua, NHNN đã có quyết định nới room chính thức cho các ngân hàng với mức tăng có sự phân hóa, dao động từ 0,7% - 4%. Đa số ưu tiên các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao, chất lượng tài sản tốt, xếp hạng tín nhiệm cao, cơ cấu danh mục tín dụng lành mạnh và tham gia thực hiện tái cơ cấu TCTD yếu kém. Đặc biệt, STB là ngân hàng TMCP gây ấn tượng với hạn mức được nới cao nhất ngành (4%). Theo sau là một số ngân hàng có chỉ số tài chính tốt, tham gia nhận chuyển giao bắt buộc TCTD như MBB và HDB (trên 3%), VCB (2,7%). Ước tính quy mô điều chỉnh thêm vừa qua vẫn chưa chạm tới mục tiêu 14% trong bối cảnh NHNN phải cân đối giữa ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Do đó, chúng tôi kỳ vọng vào một đợt bổ sung room giai đoạn cuối năm cho một số ngân hàng.

Dự báo NIM toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định. Trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá neo cao, thanh khoản căng, lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng vượt mức kỷ lục 7,5% trong gần một thập kỷ, vừa qua NHNN đã điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) thêm 1% sau gần 2 năm ổn định mức thấp. Cùng với đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (1 tháng đến dưới 6 tháng) được tăng lên mức 5% trong khi lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%. Chúng tôi cho rằng, NIM các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới khi định hướng điều hành của NHNN hiện nay là tăng lãi suất huy động nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Thêm vào đó, Thông tư 08/2021 quy định về điều chỉnh mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% hiện tại xuống 34% vào đầu tháng 10 cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng (do phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn).

Thu ngoài lãi kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh, tiếp tục xu hướng tăng nửa cuối năm, trong đó đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bancassurance và phí thẻ. Doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng. Theo số liệu Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm ước đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng (+15,6% so với cùng kỳ). Như vậy, mảng kinh doanh bảo hiểm đang dần tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa với tỷ lệ thâm nhập cùng phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, kỳ vọng Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mới được thông qua có hiệu lực vào đầu năm 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành. Trong thời gian tới, các ngân hàng có thể sẽ tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm (như VIB đàm phán lại với Prudential, HDB đang tìm kiếm đối tác,...). Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển lợi nhuận các ngân hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng mảng kinh doanh trái phiếu của các ngân hàng có thể gặp trở ngại khi mặt bằng lãi suất đang nhích tăng và giá trị các khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị thị trường (mark to market). Hiện nay, lãi suất TPCP 10 năm đã tăng lên 5,06%. Một số ngân hàng có lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh năm 2021 cao như: BID, CTG, ACB,… có thể gặp khó khăn để duy trì tăng trưởng lợi nhuận mảng này trong năm 2022

Nợ xấu có thể tăng sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực + Tổng nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng được niêm yết tại thời điểm 30/6/22 đã tăng 10,4% so với thời điểm 31/12/21. Điều này có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai. Một số ngân hàng có mức tăng so với đầu năm như: VCB (+70,1%), MBB (+44,9%), LPB (+42,9%). Ngược lại, một số ngân hàng có nợ nhóm 2 giảm là: ABB (-44,6%), ACB (-20,7%), MSB (-20,7%), VPB (-9,6%),...

Nợ tái cơ cấu tại đa số các ngân hàng đã giảm so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ trên/tổng dư nợ thời điểm 30/6/22 ở mức khá thấp, điển hình tại TCB, VIB và VCB lần lượt là 0,1%, 0,3% và 0,4%. Biến động tích cực trên sẽ giúp những ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng nợ tái cơ cấu trước đó có thể được hoàn nhập trong tương lai. Có thể kể tới một số ngân hàng như ACB, BID, VCB,... Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu ở mức cao và dự phòng rủi ro các khoản nợ trên thấp sẽ có thể chịu áp lực nợ xấu gia tăng. Chúng tôi cho rằng Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6 vừa qua sẽ phản ánh lên nợ xấu các ngân hàng thời gian tới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Ngân hàng là một trong những tổ chức nắm giữ lượng lớn TPDN phát hành ra thị trường (khoảng trên 50%). Tuy nhiên, thị trường TPDN và cho vay lĩnh vực BĐS thời gian qua được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hơn đã khiến đa số các ngân hàng phải giảm tỷ trọng phân bổ vào TPDN. Số dư TPDN trong Q2/22 tại TCB, HDB và TPB đã giảm so với quý trước lần lượt là: 36%, 21% và 16%. Dù vậy, xét trên tổng thể, con số này không quá lớn khi vẫn tăng khoảng 9,2% trong 6 tháng đầu năm. Hiện nay, nhóm ngân hàng trong hệ thống có tỷ trọng nắm giữ TPDN/tổng dư nợ tín dụng cao (thời điểm 30/6/22) là TPB (13,4%), TCB (11,2%), MBB (10,7%) và VPB (8,7%). Việc nắm giữ lượng lớn TPDN có thể khiến các ngân hàng bị ảnh hưởng nếu những doanh nghiệp này gặp khó khăn

Thời điểm 30/6/2022 tín dụng vào lĩnh vực BĐS vẫn tăng trưởng 14,07% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,7% tổng tín dụng. Chúng tôi cho rằng khả năng vay và trả nợ của các doanh nghiệp BĐS vẫn khá ổn khi tỷ lệ nợ đòn bẩy/VSCH và chỉ số bao phủ lãi vay có xu hướng giảm (Q1/22, các con số này lần lượt là 0,47 lần và 5,6 lần giảm từ mức tương ứng 0,48 lần và 7,05 lần cuối năm 2021) (theo FiinGroup). Tuy nhiên, các quy định về pháp lý khiến thị trường BĐS khá biến động và trầm lắng trong thời gian qua có thể gây ảnh hưởng tới định giá TSĐB các ngân hàng khi hiện nay TSĐB chủ yếu là BĐS. + Agriseco Research duy trì đánh giá rủi ro nợ xấu là hiện hữu và cần theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục cùng công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu chúng tôi cho rằng không quá lo ngại.

Tác động Nghị định 65 tới các ngân hàng Chúng tôi kỳ vọng, thị trường TPDN có thể sẽ bớt ảm đạm hơn từ quý cuối năm khi Nghị định 65 được ban hành vừa qua sẽ củng cố hành lang pháp lý, khơi thông lại nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh huy động qua kênh TPDN thay vì chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, mất cân đối về cơ cấu thời hạn vốn tín dụng khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn (chiếm khoảng 80% tổng huy động). Thêm vào đó, kỳ vọng nghị định 65 có thể cân đối hài hòa giữa thị trường vốn và tiền tệ, thúc đẩy phát triển việc tìm kiếm vốn trung dài hạn qua kênh TPDN, vốn ngắn hạn qua các ngân hàng. Hiện nay định hướng điều hành của NHNN là giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình, kiểm soát chặt hơn việc đầu tư TPDN cùng hạn mức tín dụng không còn nhiều dư địa trong các tháng cuối năm. Do vậy, mặc dù nắm giữ lượng lớn trái phiếu phát hành ra thị trường nhưng việc đầu tư vào TPDN của các ngân hàng có thể sẽ kỹ lưỡng và chọn lọc hơn.

Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch LNTT của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng trên 50%, trong đó LPB là ngân hàng có tỷ lệ cao nhất, gần 80%. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng nửa cuối năm của các ngân hàng có thể gặp áp lực khi mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được NHNN điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng.

Chúng tôi cho rằng, để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi. Kỳ vọng một số ngân hàng có kế hoạch kinh doanh 2022 tăng trưởng cao như BID, VCB,... vẫn hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, bộ đệm rủi ro và room tín dụng thấp sẽ gặp áp lực.

Các kế hoạch tăng vốn dự kiến được thực hiện cuối năm + Việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, gia tăng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn trung dài hạn, phát triển kinh doanh. Những thông tin cụ thể về kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu. + Chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn trong các năm tới, đặc biệt khi Đề án “Cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025” được phê duyệt trong tháng 6 vừa qua. Theo đó, tới năm 2025, nhóm NHTM có quy mô lớn phải đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu là 15 nghìn tỷ đồng trong khi các NHTM quy mô nhỏ, trung bình và có vốn nước ngoài là 5 nghìn tỷ đồng

Đánh giá chung ngành ngân hàng

Agriseco đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: (1) việc có thể có thêm đợt nới room vào cuối năm cho một số ngân hàng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn dưới mục tiêu 14%; (2) các kế hoạch tăng vốn dự kiến được triển khai thời gian tới; (3) định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu về mức hấp dẫn khi giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Về dài hạn, chúng tôi duy trì quan điểm cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư. Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.

Cập nhật ngày 4/4/2021: bất khuất trước đại dịch, nay lại thêm miếng bánh thơm phức Bancasurrance

Dịch Covid-19 xuất hiện và tác động tiêu cực lên hầu hết các nhóm ngành trên thị trường trong năm 2020, ngành ngân hàng không phải là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt 12.13%. Mặc dù không đạt như kỳ vọng đầu năm trước khi dịch bệnh xảy ra (mục tiêu 14%) nhưng kết quả này đã cho thấy được sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Lợi nhuận vẫn khả quan giữa biến động

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, việc trích lập dự phòng nợ xấu tăng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận ngân hàng. Tuy nhiên, nhờ đa dạng hóa nguồn thu, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn rất khả quan.

Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, BID và Agribank lợi nhuận 2020 không tăng trưởng so với năm 2019; VCB và CTG thì vẫn giữ được phong độ. Cụ thể, VCB đạt 23,045 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần như tương đương năm 2019 và dẫn đầu hệ thống ngân hàng.

Gây ấn tượng mạnh là CTG với lợi nhuận lên tới 17,070 tỷ đồng, tăng trưởng 44.89% so với năm 2019, đứng thứ hai trong toàn hệ thống.

Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, lợi nhuận của nhiều ngân hàng như TPB, MBB, TCB, VPB… tăng trưởng rất tốt.

Bancasurrance dần trở thành xu thế

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, năm 2020, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ước tính cả năm 2020 doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 17% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Có thể nói, thị trường bảo hiểm đang là “miếng bánh màu mỡ” đối với các tổ chức bán lẻ, trong đó có ngân hàng. Bancassurance vì vậy đã và đang trở thành xu thế.

Từ những ngày đầu năm 2020, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam và SSB đã chính thức thiết lập mối quan hệ hợp tác, phân phối bảo hiểm độc quyền trong vòng 20 năm. JP Morgan là đơn vị tư vấn duy nhất cho SSB trong quá trình lựa chọn đối tác bảo hiểm độc quyền này.

Ngày 14/12/2020 tại Hà Nội, CTG và Công ty TNHH Manulife Việt Nam thuộc Tập đoàn Tài chính Manulife ký kết Thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng. Thỏa thuận này sẽ mang về mức phí khoảng 350 triệu USD cho CTG.

Trước CTG, VCB cũng đã thu lợi khủng từ hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bancassurance với FWD. Giá trị của hợp đồng không được tiết lộ tuy nhiên theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank, đạt giá trị cao nhất trong lịch sử ngân hàng, bảo hiểm Việt Nam.

Gần đây, ACB và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Sun Life Financial, đã công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn 15 năm tại Việt Nam. Theo ước tính, giá trị thương vụ lên đến 370 triệu USD tương đương 8,500 tỷ đồng.

Trong năm 2021, thị trường dự kiến sẽ đón thêm một số thương vụ hợp tác độc quyền giữa bảo hiểm với ngân hàng được ký kết và đem lại lợi nhuận vượt trội đáng kể cho ngân hàng.

 

screenshot-2021-03-21-at-083730-1616290682.png
Ngành Ngân hàng càng đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại sau khi được Moody’s nâng triển vọng

Cập nhật ngày 22/03/2021: Ngành Ngân hàng càng đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư ngoại sau khi được nâng triển vọng

Việc được nâng triển vọng sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tốt hơn.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây giữ nguyên xếp hạng quốc gia với Việt Nam ở mức Ba3 nhưng nâng triển vọng từ Tiêu cực lên Tích cực.

Đồng thời, Moody’s giữ nguyên mức xếp hạng Ba3 đối với 15 ngân hàng Việt Nam và điều chỉnh triển vọng:

- Từ Tiêu cực lên Tích cực: VCB, Agribank, BID, CTG, TCB, BID

- Từ Ổn định lên Tích cực: OCB, TPB, VPB, VIB

- Từ Tiêu cực lên Ổn định: ABB, ACB, HDB, LPB, MBB, SSB

Việc được nâng triển vọng sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tốt hơn đồng thời giúp các ngân hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn có yếu tố nước ngoài hơn so với trước.

Bên cạnh đó, bậc xếp hạng của Việt Nam và các ngân hàng Việt Nam có khả năng được nâng lên trong tương lai.

Trước đó, Ngành ngân hàng vốn đang ở vị thế tốt trong việc chống đỡ rủi ro và có thể tận dụng sự phục hồi nền kinh tế trong năm 2021 để làm bàn đạp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Công ty Chứng khoán BIDV - BSC mới đây đã tỏ ra rất lạc quan với Triển vọng ngành ngân hàng, cho rằng ngân hàng đang đón chào con sóng lớn với quan điểm (1) tăng trưởng LN cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, (2) kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.

BSC cũng đã khuyến nghị MUA cổ phiếu VCB, CTG, VPB, TCB trong năm 2021. 

Trên thực tế, diễn biến thị trường gần đây cũng cho thấy cổ phiếu ngân hàng đang được quan tâm cao độ, giao dịch mỗi phiên đều rất lớn, giá trong xu thế tăng.

Một số cổ phiếu ngân hàng được quan tâm có thể kể đến: cổ phiếu VCB - Vietcombank: Tăng trưởng mạnh trong 2021, giá mục tiêu 120.500 VND/cp; cổ phiếu TCB - Techcombank: triển vọng lạc quancổ phiếu STB; cổ phiếu SHB; cổ phiếu CTG - Ngân hàng Công Thương Vietinbank...

Ngoài ra còn có các ngân hàng được quan tâm với thanh khoản tăng vọt gần đây như cổ phiếu MSB - Ngân hàng Hàng hải; cổ phiếu Ngân hàng ACB...

Agriseco & VNDirect

Link nội dung: https://www.vinabull.vn./danh-gia-nganh-ngan-hang-a435.html